Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố trở thành huyền thoại đã vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.
Jay Fai (tên thật Junsata), một bà lão hơn 70 tuổi, trông có vẻ hơi lập dị với chiếc kính trượt tuyết lúc nào cũng gắn chặt vào mặt cùng cái nốt ruồi đặc trưng, là một huyền thoại sống trong giới ẩm thực đường phố Thái Lan.
Hàng xóm gọi bà với cái tên thân mật “dì Fai”. Báo giới nước ngoài thậm chí phải dùng từ “nữ hoàng” mỗi khi nhắc đến tên người đàn bà mang vẻ ngoài lập dị này. Jay Fai điều hành một quán ăn nhỏ cùng tên (Raan Jay Fai) ở Bangkok, Thái Lan. Bà làm gần như tất cả công việc từ chủ đến nhân viên, dù Jay Fai đã đứng trên đỉnh của nền ẩm thực đường phố với một ngôi sao Michelin danh giá.
Kỳ tích của một quán ăn vỉa hè
Năm 2017, những chuyên gia của Michelin bắt đầu công cuộc “thâm nhập” Thái Lan. Sau khoảng một năm âm thầm theo dõi, thưởng thức những món ăn từ các nhà hàng, họ tổ chức buổi công bố kết quả vào ngày 6/12.
“Tất cả những gì tôi nhớ được trong ngày hôm ấy là cảm giác xúc động đến nghẹt thở. Tôi đã giành được một ngôi sao Michelin”
“Suốt 40 năm bán hàng, tôi cực kỳ ghét việc phải đóng quầy. Hôm ấy, tôi nhận được một cuộc điện thoại của một người nói tổ chức tiệc tối và mời tôi đến dự. Thật sự, tôi không thích chuyện này tẹo nào nhưng vẫn phá lệ đi xem sao. Giữa buổi tiệc, con gái tôi bất ngờ quay sang nói ‘Mẹ ơi, người ta gọi tên mẹ kìa’. Tất cả những gì tôi nhớ được trong ngày hôm ấy là cảm giác xúc động đến nghẹt thở. Tôi đã giành được một ngôi sao Michelin”.
Năm đó, tổng cộng 17 nhà hàng ở Thái Lan giành được sao Michelin. Dù vậy, không nơi nào chạm được đến cột mốc cao nhất, 3 sao. Jay Fai là quán ăn đường phố duy nhất giành được một ngôi sao. Phần còn lại hầu hết dành cho các nhà hàng cao cấp như Le Normandie, nơi chiếc áo khoác là điều bắt buộc với các quý ông khi bước chân qua cửa…
“Bà ấy có thể đổi đời sau buổi lễ trao giải. Với danh tiếng vốn có cùng ngôi sao Michelin, Jay Fai hoàn toàn đủ sức mở một nhà hàng to hơn hay tìm kiếm những cơ hội khác. Sau cùng bà ấy lại quyết định trở về với căn bếp nhỏ, ngày ngày nấu ăn cho những vị khách bình dân. Tôi mừng vì Jay Fai đã làm như vậy”, Chawadee Nualkhair, một blogger ẩm thực, chia sẻ với Guardian.
Huyền thoại sinh ra từ đám cháy
Nữ hoàng ẩm thực đường phố sinh ra trong một gia đình nghèo, sống ở khu ổ chuột bẩn thỉu phía sau một cái chợ lớn. Mẹ bà bán cháo và mì ngoài vỉa hè. Gia đình họ chẳng thể trông chờ gì vào người cha nghiện thuốc phiện nặng. Thỉnh thoảng ông lại biến mất, để mặc cho hai mẹ con đi tìm.
Sống trong cảnh đói nghèo nên từ nhỏ Jay Fai đã có ý thức tự kiếm tiền nuôi gia đình. Sau này, bà không theo nghề mẹ đứng bán hàng ngoài đường mà quyết định đi làm thợ may. Cuộc sống không giàu sang nhưng cũng tạm ổn, theo lời Jay Fai tự nhận xét.
Sáng bà ngồi lọ mọ cắt vải, đêm cặm cụi may vá. Mọi thứ cứ thế trôi đi, cho tới một ngày cơn hỏa hoạn ập đến. “Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra hết, đột nhiên cái cầu thang ở gần đó đổ sập xuống. Những gì còn lại tôi nghe được là tiếng la hét của mọi người. Ai nấy cũng cố chạy thoát khỏi ngọn lửa. Nó đã lấy đi tất cả những gì tôi có… Năm ấy, tôi mới đôi mươi”, Jay Fai vẫn nghẹn lòng khi nhớ lại khoảnh khắc tưởng chừng đen tối nhất trong cuộc đời.
Tuy nhiên, đôi khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Ngọn lửa tưởng chừng đã cướp đi tất cả của Jay Fai lại mở ra cho bà một cuộc sống mới, cuộc sống của nữ hoàng ẩm thực đường phố Thái Lan.
Chẳng còn biết bám víu vào đâu sau trận hỏa hoạn, Jay Fai theo mẹ phụ bán hàng. Bà nhận ra mẹ mình khi ấy nấu ăn quá chậm, khiến nhiều khách cảm thấy chán nản mà bỏ đi. Tuy nhiên, khi Jay Fai đề nghị mẹ để mình đứng bếp, điều duy nhất bà nhận lại chỉ là một tiếng không lạnh lùng.
Tuổi trẻ là quãng thời gian con người ta háo thắng và muốn chứng tỏ mình nhất. Bất mãn trước câu trả lời từ mẹ, Jay Fai lao vào tập nấu ăn để cho mẹ mình thấy bà xứng đáng đứng bếp thế nào.
“Tối tối, tôi lại lôi chảo ra tập xào mì. Có lần, tôi cho dầu vào chảo rồi để quên mất nên dầu bị cháy. Tức quá, tôi đổ sạch dầu đi rồi ném hết mì vào, đảo, đảo và cứ thế mà đảo. Cho đến khi tôi định thần lại, nhiệt độ đã biến mì thành màu nâu vàng, ăn rất thơm mà chẳng cần dầu. Ngày hôm sau, tôi xin dùng chảo của mẹ và cuối cùng mẹ đã đồng ý. Từ giây phút ấy, tôi đã nhìn ra hướng đi của mình”, bà chia sẻ trên sóng truyền hình.
Dù vậy, đó mới chỉ là điểm khởi đầu của Jay Fai. Bởi nếu bà cứ an phận như bao hàng rong khác, bán vài thứ quen thuộc trước giờ, có lẽ người ta sẽ nhớ đến cái nốt ruồi của bà hơn là những món mà Jay Fai làm ra.
Đến năm 30 tuổi, đôi vai bà phải oằn mình gồng gánh cả gia đình. Cuộc sống khi ấy giống như đâm vào ngõ cụt với Jay Fai. Hàng quán vỉa hè nhìn tưởng đơn giản mà bấp bênh vô cùng. Họ thường xuyên bị cảnh sát đuổi, có những hôm xin được thì thôi nhưng người ta làm căng coi như nghỉ bán. Hôm nào trời mưa không dọn bàn được cũng xác định “chết đói” một ngày.
Cuộc sống bế tắc buộc Jay Fai phải đưa ra quyết định thay đổi nếu không muốn mãi cam chịu như thế. Bà đánh liều mua những nguyên liệu đắt tiền như hải sản về chế biến. Dĩ nhiên, giá thành sẽ đội lên cao hơn so với những hàng quán vỉa hè khác.
“Có một gã chê bai tại sao món pad Thái lại có giá tới 120 baht (khoảng 90.000 đồng). Đáp lại, tôi nói anh ta hãy ăn hết đi, tôm trong này hoàn toàn khác xa nơi khác đấy. Anh ta ăn xong, hôm sau quay lại, và rồi tiếp tục những hôm sau như thế nữa. Anh ta không gọi những món như mì gà nữa mà chỉ muốn được ăn pad Thái 120 baht từng chê ỏng chê eo trước kia. Khi ấy, tôi biết mình đã thành công”, bà kể.
Sau ánh hào quang
Ngôi sao Michelin đem lại cho Jay Fai nhiều thứ nhưng cướp đi của bà cuộc sống bình yên.
Đó cũng là điều mà nhiều cửa hàng phải chấp nhận khi trở thành chủ nhân của sao Michelin danh giá. Từ một quán ăn bình dân, Jay Fai phải đối mặt với một lượng khách khổng lồ, đi kèm theo đó là vô số các chuyên gia ẩm thực bí mật đến để theo dõi, đánh giá chất lượng. Cuộc sống yên bình bên chảo bếp của bà bị tước mất chỉ sau một đêm.
Không chỉ riêng Jay Fai bị ảnh hưởng, nhiều hàng xóm xung quanh cửa hàng cũng cảm thấy khó chịu với đám đông xếp hàng từ sáng sớm tới đêm khuya. Ronan O’Connell, một phóng viên ẩm thực của tờ News Au, đã từng đến dùng bữa ở Raan Jay Fai trước khi quán ăn này trở nên nổi tiếng.
Anh nói: “Jay Fai tôi biết trước và sau khi nhận ngôi sao Michelin là hai con người khác nhau. Bà ấy vẫn mạnh mẽ, tâm huyết như thường nhưng ánh mắt luôn lộ rõ vẻ mệt mỏi. Khi được hỏi về việc trở thành một trong 17 đầu bếp ở Thái Lan nhận được ngôi sao Michelin, những gì tôi nghe được hầu hết là sự thất vọng về ảnh hưởng xấu của giải thưởng.
Trước đây, quán ăn của Jay Fai không đông thế này. Bà thường xuyên tếu táo với khách hàng trong khi nấu những món ‘tủ’ của mình như trứng cuộn cua hay canh tom yum. Còn bây giờ, bầu không khí thoải mái ấy đã hoàn toàn biến mất. Jay Fai nhiều lần phải xin lỗi và từ chối khách hàng do họ không đặt bàn trước”.
Sau đêm trao giải, Jay Fai luôn có cảm giác như cái quán ăn nhỏ của bà đã thu hút cả 8 triệu cư dân Bangkok đổ về. Bên cạnh vấn đề lượng khách quá đông, thành công của Jay Fai cũng kéo theo những sự chú ý không mong muốn.
“Cuộc sống của tôi thật sự rất áp lực. Đôi khi, tôi chỉ ước mình có thể trả lại ngôi sao ấy”, bà thở dài.
Dù vậy, áp lực cũng không thể khiến bà từ bỏ đam mê với căn bếp nhỏ. Ngày ngày, Jay Fai vẫn dậy thật sớm để tự tay chuẩn bị những món đồ ăn phục vụ lượng khách khổng lồ đang xếp hàng dài chờ thưởng thức. Một điều kỳ lạ ở Jay Fai là mặc kệ khách đông ra sao, bà vẫn một tay chuẩn bị tất cả các món ăn.
Với người đàn bà đeo kính trượt tuyết trông có vẻ lập dị ấy, mọi thứ khi đến với khách hàng đều phải thật hoàn hảo. Jay Fai dành tâm huyết của mình vào tất cả món ăn. Bà từng tâm sự không có món nào bà yêu thích hơn món nào. Bởi trong thâm tâm Jay Fai, một người đầu bếp phải dành trọn tình yêu vào mọi món ăn mình làm ra thì mới nấu ngon được.