Người Việt Nam ngày càng quen với các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…, dẫn đến việc nhiều món ăn Việt có nguy cơ biến mất hoặc bị biến dạng, nhất là các món truyền thống, món ăn đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáng 31/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam năm 2018.
Các ý kiến đưa ra tại hội thảo đều cho rằng: Ẩm thực Việt Nam có những giá trị độc đáo, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế cho thấy ẩm thực đang nổi lên là một thế mạnh của du lịch Việt Nam nên cần sớm đưa ẩm thực thành một loại hình du lịch hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Ngành du lịch đang chú trọng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách du lịch, trong đó ẩm thực nổi lên một một sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn riêng của du lịch Việt Nam. Nhiều món ngon của Việt Nam đã làm say mê bao nhiêu du khách quốc tế và lan tỏa ra khắp thế giới. Điều này cho thấy ẩm thực Việt hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ẩm thực Việt Nam hấp dẫn khách du lịch, kể cả khách nội địa, quốc tế. Nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bún chả, nem… đã được bạn bè quốc tế thừa nhận là những món ăn ngon, độc đáo hàng đầu thế giới, không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam.
Hình ảnh các vị nguyên thủ nhiều quốc gia đến Việt Nam thưởng thức ẩm thực đã thực sự góp phần làm ẩm thực nước ta ngày nổi tiếng hơn. Giáo sư Philip Kotler, chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới cùng đã gợi ý cho ngành du lịch “hãy đưa Việt Nam thành bếp ăn của thế giới” để thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Việt Nam.
Việt Nam hiện có khoảng trên 50.000 đầu bếp chuyên nghiệp, họ cũng chính là lực lượng chủ lực trong bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống. Họ cũng là người kết hợp được ẩm thực truyền thống với ẩm thực quốc tế.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam nhằm liên kết, hợp tác, hỗ trợ, đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp, bồi dưỡng tài năng cho đội ngũ đầu bếp Việt Nam, tạo thương hiệu cho ẩm thực Việt. Hội này cũng sẽ tiến hành xây dựng và chuẩn hóa các món ăn Việt Nam, xây dựng tiêu chí về xếp hạng đội ngũ đầu bếp Việt Nam, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút ngày một nhiều khách đến Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhận định: Hội nhập hiện đang là xu thế của thế giới. Trong quá trình hội nhập, các quốc gia tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới nhưng cũng đứng trước các nguy cơ mất đi các giá trị truyền thống – yếu tố tạo ra sự khác biệt, độc đáo của mỗi dân tộc. Điều này có thể thấy rõ ở lĩnh vực ẩm thực.
Người Việt Nam ngày càng quen với các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…, dẫn đến việc nhiều món ăn Việt có nguy cơ biến mất hoặc bị biến dạng, nhất là các món truyền thống, món ăn đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đầu tư để bảo tồn, phát triển ẩm thực truyền thống là nhu cầu quan trọng để phát triển du lịch và kinh tế xã hội đất nước.
Chính vì thế, Hiệp hội đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Việt Nam. Đây sẽ là nơi nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu các món ăn Việt, đào tạo đội ngũ đầu bếp cho các nhà hàng, khách sạn nhằm phát triển mảng ẩm thực, hỗ trợ phát triển du lịch.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đang dự kiến triển khai dự án “Xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh Tổ nghề đầu bếp Việt Nam” nhằm góp phần đưa nhanh ẩm thực truyền thống thành sản phẩm độc đáo của du lịch Việt Nam; nâng cao hình ảnh ẩm thực Việt Nam trong khu vực, trên thế giới.
Theo truyền thuyết, hoàng tử Lang Liêu là người đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày là câu chuyện sớm nhất gắn với 2 món ăn đặc biệt của toàn dân tộc Việt Nam. Hai món bánh này đã trải qua quá trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay.
Bánh chưng, bánh dày không chỉ còn là món ăn thông thường mà đã trở thành món ăn đặc trưng, độc đáo của dân tộc. Do đó, hoàng tử Lang Liêu xứng đáng là ông Tổ nghề đầu bếp Việt Nam. Hoàng tử Lang Liêu và vợ là Lăng Thị Tiêu – người đồng hành cùng ông trong quá trình sáng tạo bánh chưng, bánh dày cần được tôn vinh.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh Tổ nghề đầu bếp Việt Nam tại khu di tích danh thắng Tây Thiên (Vĩnh Phúc) – nơi có đền Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu…
Theo TTXVN