Cùng tản mạn về bánh trôi bánh chay trong cái ‘nết ăn’ tinh tế của người Việt

Ở xứ Việt, cái ăn dường như là cách để con người tỏ nỗi lòng của mình. Nên ngày tết nào ở cái xứ sở ấy cũng đều có một món gì đó đặc trưng. Như Tết cổ truyền có bánh chưng, bánh giầy; tết Hàn thực có bánh trôi chay. Những thức bánh ấy giản đơn lắm, nhưng lại hàm chứa trong nó bao ý vị, bao điều đáng nhớ.

Là món ăn hay là “con thuyền” chở những chuyện xưa

Ở đất nước hình chữ S này, người ta không chỉ ăn để no. Khi chế biến đồ ăn, người Việt rất thích gửi vào đó những tâm tình. Để khi thưởng thức, người ăn không chỉ tập trung vào hương vị món ăn mà còn được thưởng thức những giá trị tinh thần bên trong ấy.

Ai ăn bánh chưng dịp cỗ Tết mà lại không nhớ Lang Liêu. Hoàng tử sống vừa hiền lành, vừa đạo hiếu nên được một vị Thần hiển linh giúp đỡ. Trong mộng, chàng được dạy cho làm một thứ bánh tròn, một thứ bánh vuông, tượng trưng cho Trời và Đất. Để rồi món ăn quá đỗi đơn giản làm ra từ “ngọc thực” ấy đã chiến thắng mọi sơn hào hải vị mà giúp chủ nhân lên tiếp truyền ngôi báu. Phải chăng, trong bánh chưng vuông, bánh giày tròn ấy chứa cả lý lớn: Sống hiền hòa và thuận theo Đất Trời thì những điều tốt lành nhất sẽ đến.

Bánh trôi bánh chay ngày 3 tháng 3 (Ảnh minh họa: eva.vn)

Bánh trôi bánh chay cũng chứa trong nó bao tích xưa, chuyện cũ. Loại bánh giản dị này gắn liền với tết Hàn Thực của Trung Hoa, một cái tết không lửa, không nấu nướng để tưởng nhớ một công thần.

Chuyện xưa kể lại rằng, bên Trung Hoa khi xưa có một người theo phò tá thái tử lưu vong. Trên con đường gian truân, thiếu lương thực vị tiên sinh ấy còn sẵn sàng xẻo thịt đùi của mình, nấu thành canh để cứu đói cho bề trên. Sau đó, vị này lại theo thái tử ròng rã mấy mươi năm trời, không quản gian nguy.

Ấy vậy mà đến khi trở về nước, lên ngôi báu, vị Thái tử xưa kia lại quên mất bề tôi trung thành của mình, ban thưởng cho tất cả trừ con người ấy. Vị tiên sinh này là người hiểu đạo nghĩa nên không so đo, tính toán, lặng lẽ đưa mẹ già về quê nơi thâm sơn cùng cốc để phụng dưỡng.

Vua hạ lệnh đốt rừng (Ảnh minh họa: wartabuana)

Tới khi nhà vua nhớ ra, bèn vội vàng triệu mời tiên sinh ấy vào cung lĩnh thưởng, nhưng bất thành. Vua hạ lệnh đốt rừng để khiến bề tôi trung thành phải bỏ nhà mà ra. Nhưng vị bề tôi ấy quyết cùng mẹ ở lại nơi nhà tranh. Kết cục cả hai đều chết cháy. Đau lòng, vua hạ lệnh cho dân chúng không đốt lửa trong ba ngày (từ mùng 3 đến mùng 5 âm lịch), để tưởng nhớ vị công thần này.

Theo dòng chảy văn hóa, Tết Hàn Thực về đến nước Việt ta rồi dung hòa vào đó một cách uyển chuyển, nhịp nhàng. Người Việt không ăn tết Hàn Thực để tưởng nhớ lòng trung tín của vị bề tôi phương bắc. Cái Tết này đưa người Việt về cội nguồn con Rồng, cháu Tiên của mình.

Truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ (Ảnh minh họa: en.vietnam)

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, bánh trôi bánh chay này tượng trưng cho những người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ xưa kia, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ về chốn non cao. Phải chăng vì thế, ngày 3 tháng 3, gia đình Việt nào cũng cũng gia tiên bằng thứ bánh tròn trịa và giản dị ấy.

Dung dị – một trong những nét đẹp đáng quý nhất của ẩm thực truyền thống Việt

Nếu để ý một chút, sẽ không khó để nhận ra rằng, những thứ bánh được dùng trong những dịp tết lớn của nước ta đều được làm từ gạo, công thức chế biến cũng đơn giản, hình thức trình bày lại càng không có điều hoa mỹ. Cái dung dị này phải chăng là để ai cũng có thể làm bánh, từ nhà nghèo nhất, đến nhà khá giả nhất cũng đều có thể tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, với người đã khuất.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Ba chìm bảy nổi với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn (Ảnh minh họa: indochina-junk)

Bánh màu trắng, lại hình tròn nên mang đến cho người thưởng thức cảm giác về sự trong sáng, vẹn toàn. Bánh trôi nước với vẻ ngoài dung dị của nó đã làm xiêu lòng nữ sĩ Hồ Xuân Hương, để rồi bà dùng hình ảnh chiếc bánh nhỏ ấy để miêu ta trọn vẹn vẻ đẹp sắt son của người phụ nữ.

Chiếc bánh tròn ấy dường như có duyên rất lớn với sự trung thành, chung thủy. Liên hệ lại với câu chuyện lên rừng xuống bể của gia đình Lạc Long Quân, bánh trôi bánh chay có khi nào cũng diễn tả trọn vẹn tấm lòng của họ. Dù có chia xa nhưng ai cũng mang trong tâm trọn vẹn tấm lòng đạo hiếu.

Nết ăn tinh tế của người Việt thể hiện trong những món ăn rất dung dị (Ảnh minh họa: lambanh365)

Ăn một chiếc bánh nhỏ xinh và ngẫm ngợi về những điều đã qua như để nhắc nhở với lòng mình: cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao khi bản thân mình có thể giữ tâm hồn trong sáng, tròn đầy như hình ảnh của chiếc bánh trôi nước, và những ý nhị sâu xa mà món ăn quê nhà đó chứa đựng.

Hải Lam

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy để lại tương tác nếu bạn muốn kết đôix
()
x