Từ ngày 20/10 phạt đầu bếp không đeo găng tay bốc đồ ăn: Ai bắt lỗi, xử lý?

Ai có thẩm quyền xử phạt, và xử phạt bao nhiêu với hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố?

Ai có thẩm quyền xử phạt?

Từ tháng 20/10/2018, Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực thi hành thay thế cho Nghị định 178/2013/NĐ-CP.

So với Nghị định 178/2013/NĐ-CP, Nghị định 115/2018 sẽ tăng mức phạt với hành vi vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố.

Từ ngày 20/10 phạt đầu bếp không đeo găng tay bốc đồ ăn: Ai bắt lỗi, xử lý?

Cụ thể, Điều 16, Nghị định 115/2018 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố nêu rõ, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay (với các lỗi này, mức phạt tại Nghị định 178/2013 là 300-500 nghìn đồng).

Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng công lý) cho biết, Nghị định 115/2018 quy định rõ các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố (quy định tại Điều 16).

Cụ thể, gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Công an nhân dân; cơ quan Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực về an toàn thực phẩm thuộc các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Quản lý thị trường.

“Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với tổ chức; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền trong thẩm quyền xử phạt…”, luật sư Kiên cho biết.

Về thẩm quyền của lực lượng công an nhân dân, chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500 nghìn đồng đối với cá nhân vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố và phạt tiền đến 1 triệu đồng đối với tổ chức với các vi phạm.

Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền phạt các lỗi có mức tiền phạt đến 2,5 triệu đồng đối với cá nhân và 5 triệu đồng đối với tổ chức…

Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Cục trưởng Cục CSGT, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu có quyền phạt tiền đến mức tối đa các hành vi vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố.

Quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng xử phạt

Từ ngày 20/10 phạt đầu bếp không đeo găng tay bốc đồ ăn: Ai bắt lỗi, xử lý?

Trước thời điểm Nghị định 115/2018 có hiệu lực, nhiều bạn đọc thắc mắc, việc phát hiện, xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố có khả thi hay không?

Luật sư Lê Văn Kiên nhận định, lực lượng chức năng như UBND, Công an xã phường, thị trấn, hay lực lượng lượng quản lý thị trường hoàn toàn có khả năng phát hiện và xử lý.

“Bằng mắt thường chúng ta có thể phát hiện được các hành vi như không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày, thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn hay không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn. Vì vậy, tôi cho rằng, việc phát hiện, xử lý không quá khó khăn nếu cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát nghiêm túc.

Lực lượng chức năng có thể sử dụng thiết bị ghi hình hành vi vi phạm làm bằng chứng xử phạt.

Thực khách khi ăn uống nếu thấy chủ vi phạm cũng có thể quay phim chụp lại ảnh và gửi cơ quan công an, UBND phường để các cơ quan này xử phạt”, luật sư Kiên nói.

Trao đổi với PV, bà Phạm Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định, với thẩm quyền được giao, cơ quan chức năng không quá khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý. Việc kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm vẫn đang được đoàn kiểm tra UBND phường Phú Đô thực hiện định kỳ theo quý và cả đột xuất.

Đoàn kiểm tra bao gồm cán bộ tư pháp, y tế, công an phường và đại diện tổ dân phố do Chủ tịch UBND phường quyết định thành lập. Đoàn kiểm tra không có thiết bị ghi hình chuyện dụng nhưng sử dụng điện thoại chụp hình trong quá trình kiểm tra.

Về kết quả kiểm tra trước đây, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô cho biết, đoàn kiểm tra của UBND phường chủ yếu xử phạt với các lỗi như bày bán thức ăn không có bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Về lỗi “dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn” theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP thì đoàn kiểm tra chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền.

Trao đổi thêm với PV, một cán bộ công an cấp phường ở Hà Nội cũng cho rằng, quy định trong Nghị định 115/2018 đã rõ ràng nên việc xử lý các cơ sở kinh doanh đồ ăn hè phố vi vi phạm không khó. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ ghi hình làm bằng chứng để tránh trường hợp người dân không thừa nhận vi phạm.

“Việc bắt lỗi người dân vi phạm không khó nhưng phải tuyên truyền cho người dân nắm bắt được quy định tới khi xử phạt mới thuyết phục”, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô nói.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy để lại tương tác nếu bạn muốn kết đôix
()
x