Cà ri – món ăn đặc biệt có ở rất nhiều nước, nhưng không nơi đâu giống nơi đâu

Cà ri – món ăn nổi tiếng có ở rất nhiều nước, nhưng không nơi đâu giống nơi đâu

Cũng cùng là món cà ri, nhưng mỗi quốc gia đều có một phiên bản riêng với nhiều biến tấu độc đáo.

Cà ri là món ăn ngon có xuất xứ từ Ấn Độ, được lấy từ chữ “kari” trong tiếng Tamil Ấn Độ, có nghĩa là “nước sốt”. Đây là một món ăn phức tạp có sự pha trộn giữa nhiều loại gia vị và thảo mộc, thường gồm nghệ, cumin, ngò, gừng và ớt. Cà ri thường có dạng sốt và phổ biến ở các tỉnh thành miền Nam Ấn Độ. Món này không kén thức ăn, có thể ăn với bánh mì truyền thống, cơm hay các loại bánh phương Tây khác.

Cà ri không chỉ nổi tiếng như một đặc trưng ẩm thực của Ấn Độ mà còn được biết đến trên toàn thế giới. Đến mức nhiều nước đã mang công thức cà ri về, thêm thắt một số yếu tố dân tộc, thổ nhưỡng và khiến các phiên bản trở thành đặc trưng ẩm thực của nước đó. Hãy cùng chúng mình khám phá “hình dáng” của món cà ri của các nước nhé!

Ấn Độ

Là cái nôi của cà ri, Ấn Độ là nơi mà cà ri phát triển nhất, đến mức có thể xem như một nét văn hoá. Cà ri Ấn Độ là loại nước sốt được làm từ nhiều gia vị khác nhau từ thảo mộc, mang lại sự đa chiều trong hương vị, cũng là điều khiến món ăn này nổi tiếng đến thế. Cà ri được tạo ra từ sự kết hợp tài tình các loại hương liệu giản dị. Cà ri ở Ấn Độ thực ra không phải là một món, mà là một loại thức ăn với nhiều sự kết hợp gia vi khác nhau. Chính vì thế mà người Ấn dường như không bao giờ ngán cà ri cả, bởi vì chỉ cần thay đổi một loại gia vị thôi cũng khiến món ăn có mùi khác hoàn toàn.

Người Ấn Độ truyền thống không hay sử dụng bột cà ri làm sẵn, mà thích tự phối các loại nguyên liệu tươi để cho ra vị mới. Song ba vị cơ bản nhất vẫn phải có ngò, thì là và nghệ, và những vị khác có thể được thay đổi xoay quanh chúng. Các món cà ri có thể có thịt cá, thịt gà vịt hoặc các loại nghêu, sò… Cà ri Ấn Độ có thể khô hoặc ướt. Cà ri khô được nấu với ít nước, đun đến khi sắc lại và chỉ còn một lớp mỏng áo bên ngoài thịt, rau củ. Cà ri nước có thể được nấu phần lớn với nước, nước thịt, sữa, đậu xay, yogurt hoặc nước dừa (dù nhiều tài liệu nói rằng cà ri nước dừa chiếm phần ít trong số các món cà ri Ấn Độ).

Cà ri Ấn Độ thường được ăn với Chapati, một loại bánh mì truyền thống.

Thái

Cà ri Thái cũng là một món ăn được xem như đặc sản Thái Lan, với những đặc điểm và biến tấu rất riêng. Người Thái gọi món cà ri của họ là “kaeng” (hoặc “gaeng”). Trong từ điển tiếng Thái đầu tiên, từ kaeng được định nghĩa là một món nước ăn kèm với cơm, được nấu từ chả tôm, hành củ, ớt và tỏi. Trái với nhận thức của nhiều người, cà ri truyền thống của Thái không có sử dụng nước cốt dừa, theo như định nghĩa từ “kaeng”.

Vị cay của cà ri Thái phụ thuộc phần nhiều vào khẩu vị và thói quen nấu nướng của từng vùng miền, có loại nhạt, có loại ngọt, có loại chua, có loại lại rất cay. Ngoài ra, do ảnh hưởng từ Ấn Độ mà người Thái cũng có nhiều món cà ri khô, thường được nấu bằng cách xào rau củ với sốt cà ri làm sẵn.

Việt Nam

Từng có thời, cà ri là món ăn có mặt trong mọi bữa tiệc từ đám cưới, sinh nhật đến thôi nôi, đầy tháng… Đây là một món ăn tương đối dễ ăn và không kén người ăn. Cà ri Việt Nam hiếm khi có vị cay – một vị được xem như đặc trưng của món cà ri nói chung. Thay vào đó, phiên bản Việt có vị ngọt, béo đậm đà do được nấu từ nước cốt dừa. Hầu hết cà ri ở Việt Nam đều có nguyên liệu chính là thịt gà, có các loại khoai. Nước dùng cà ri Việt Nam có kết cấu hơi đặc do bột tan ra từ khoai.

Người Việt Nam thường ăn cà ri với bánh mì (ảnh hưởng thời Pháp thuộc), với bún và đôi khi là các loại miến. Trái với nhiều nước khác, người Việt hiếm khi ăn cà ri cùng với cơm.

Nhật Bản

Cà ri Nhật Bản cũng là một món cà ri có nét đặc trưng riêng, vốn được xem như một món ăn có nguồn gốc phương Tây (dù cà ri bắt nguồn từ Ấn Độ). Đây là do người Anh mang vào trong thời gian hội nhập. Cà ri Nhật thường có ba loại rau củ chính là hành tây, cà rốt, và khoai tây, đôi khi có cả đậu hà lan. Cà ri Nhật không kén các loại thịt, có thể dùng thì gà, bò hoặc heo, tuy nhiêm hiếm có loại cà ri với hải sản.

Người Nhật ăn cà ri với cơm, mì udon và làm nhân bánh mì, bánh mì nhân cà ri gọi là Karepan. Ngoài ra thì cơm cà ri rất hay được ăn cùng katsudon, một loại thịt heo chiên xù.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy để lại tương tác nếu bạn muốn kết đôix
()
x